Chúng ta thường nghe nhiều về các khái niệm như Trách nhiệm xã hội, Trách nhiệm môi trường và Trách nhiệm với người tiêu dùng của các nhà sản xuất và gần đây, một thuật ngữ khác được nhắc đến là “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)”. Dù không mới trên thế giới nhưng vậy EPR là gì và lộ trình thực hiện của chính sách EPR tại Việt Nam như thế nào?
Bài viết thuộc chuỗi bài chia sẻ quy định pháp luật hiện hành trong thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu – EPR cũng như giải pháp tổ chức thực hiện EPR phù hợp quy định tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất – EPR là gì?
Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) là cách tiếp cận của chính sách Môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.
Chính sách EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.
Nói cách khác, chính sách EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng.
Lộ trình thực hiện chính sách EPR tại Việt Nam
Khái niệm EPR lần đầu tiên được đưa ra trong Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 2005, với yêu cầu thu hồi một số sản phẩm sau tiêu dùng. Đến năm 2020, Luật Bảo vệ Môi trường có những điều chỉnh căn bản về chính sách EPR và được quy định cụ thể tại Điều 54 và Điều 55.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì quy định tại Cột 3 Phụ lục XXII – Nghị định 08/2022/NĐ-CP để đưa ra thị trường Việt Nam phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc.
Bao bì thương phẩm (gồm bao bì trực tiếp và bao bì ngoài) của sản phẩm, hàng hóa sau đây:
Thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
Mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất mỹ phẩm;
Thuốc theo quy định của pháp luật về dược;
Phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y theo quy định của pháp luật về phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y;
Chất tẩy rửa, chế phẩm dùng trong lĩnh vực gia dụng, nông nghiệp, y tế;
Xi măng.
Các đối tượng sau đây không phải thực hiện trách nhiệm tái chế:
Nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm;
Nhà sản xuất bao bì quy định tại khoản 1 Điều này có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng;
Nhà nhập khẩu bao bì quy định tại khoản 1 Điều này có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
Nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo lộ trình sau đây:
Bao bì và các sản phẩm ắc quy, pin; dầu nhớt; săm lốp: từ ngày 01 tháng 01 năm 2024;
Sản phẩm điện, điện tử: từ ngày 01 tháng 01 năm 2025;
Phương tiện giao thông: từ ngày 01 tháng 01 năm 2027.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định việc thải bỏ phương tiện giao thông trước ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Văn bản pháp lý về trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất – EPR:
– Căn cứ luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam;
– Căn cứ nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
– Căn cứ thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;